Tội ác của Sylvestre Bonnard xuất bản năm 1881 đã mang lại thành công lớn cho France, giúp ông được biết đến ở vị thế một tiểu thuyết gia và được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Câu chuyện gồm hai phần có liên kết với nhau, kể về cuộc hành trình của học giả Sylvestre Bonnard đi tìm bản thảo cổ Truyền thuyết vàng, và sau đó là cuộc gặp gỡ giữa ông với cô con gái của người trong mộng xưa kia. Tiểu thuyết này được đánh giá ở văn phong tao nhã, mang chút châm biếm nhẹ nhàng, ý vị – phong cách đã trở thành đặc trưng cho văn chương Anatole France.
Đảo Chim Cánh Cụt, 1908 đánh dấu sự thay đổi lớn trong sự nghiệp sáng tác của Anatole France. Nếu như trước đó, ông đắm chìm vào tư tưởng của bản thân, chỉ nhìn về cái đẹp ở thời quá vãng xa xôi, thì nay ông dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề chính trị đương thời và thường xuyên hướng mũi dùi châm biếm về phía Giáo hội. Tác phẩm kể về một đất nước Chim Cánh Cụt giả tưởng, ra đời do Thánh Maël rửa tội nhầm cho những chú chim trên một hòn đảo xa xôi. Qua ngòi bút châm biếm sắc sảo mà ý nhị, mang đậm phong cách của Voltaire và Fénelon, tác giả đã vẽ nên toàn bộ bức tranh xã hội nhiễu nhương từ thời cổ xưa cho đến thời hiện đại, và đưa ra những dự đoán ảm đạm về tương lai.